Tình trạng xả rác bừa bãi tại các khu du lịch vẫn phổ biến.
Cách đây khoảng 5 năm, khi tác nghiệp ở một khu du lịch biển nổi tiếng Miền Trung, tôi nhớ mãi hình ảnh một cặp tình nhân người nước ngoài mượn dao của chủ quán bổ đôi 2 quả dừa cho vào ba lô sau khi đã uống hết nước. Lý do là bởi họ không nhìn thấy bất kỳ thùng rác nào ở gần đó, hoặc có thể đó là thói quen tiết kiệm, tránh lãng phí vì ít nhất, trong 2 quả dừa vẫn còn phần cùi dừa có thể ăn được.
Điều đáng nói là hình ảnh vốn dĩ rất đỗi bình thường và là thói quen văn minh ấy lại nhận phải ánh mắt dè dỉu của không ít khách du lịch người Việt. Thấy tôi khá nhiệt tình quay phim, chụp ảnh, đôi bạn ngoại quốc vẫy tay chào, nở một nụ cười thân thiện. Còn một bác người Việt độ trên 50 tuổi lại gặng hỏi: "chú đưa tin phê phán hả, Tây gì mà keo kiệt thế không biết!".
Nói rồi cả đoàn phá lên cười như vừa phát hiện ra một chuyện kỳ lạ, hiếm gặp chưa từng thấy. Tôi không trả lời câu hỏi của du khách nọ và cũng không viết gì về chuyện “lạ” ấy. Lúc đó, đơn giản, tôi cũng nghĩ như vị du khách nọ. Lạ thật! Đi du lịch mà kẹt xỉn thế, thà ngồi nhà mua hai quả dừa ngồi uống rồi hòa ít muối vào chậu mà tắm… biển cho rẻ.
Mới đây, chứng kiến câu chuyện 22 người đi du lịch ở Nha Trang gọi tới gần 38kg hải sản, trong đó có cả những hải sản thượng hạng như 5,8kg tôm hùm thiên nhiên và 8,8kg cá bò da giáp biển cho một bữa ăn hết 42,5 triệu đồng khiến tôi thực sự ngỡ ngàng. Nhớ lại câu chuyện hai chiếc vỏ quả dừa bổ đôi bỏ ba lô năm xưa của cặp tình nhân người nước ngoài và câu chuyện 22 người gọi món đến 38kg hải sản mới đây tại Nha Trang, tôi tự hỏi đâu mới là chuyện “lạ”?
Liệu 2 vị khách ngoại quốc năm xưa có lắc đầu, ái ngại khi biết trên một bãi biển du lịch ở Miền Trung Việt Nam, người ta gọi tới gần 4 yến hải sản cho một bữa tối của 22 người.

Hóa đơn tính tiền của nhà hàng CS ở Nha Trang cho thấy không có hiện tượng "chặt chém"
Cơ quan chức năng ở Nha Trang đã kiểm tra và kết luận, chủ nhà hàng trong vụ hóa đơn 42,5 triệu kia không hề “chặt chém” như tố cáo trên mạng xã hội. 8,8kg cá bò da đã được đóng gói gửi lại cho khách. Và, vì muốn yên ổn làm ăn, khổ chủ cũng đã trả lại khách 12 triệu đồng (tương đương 30% hóa đơn thanh toán).
Câu chuyện ầm ĩ trên mạng xã hội ban đầu khiến nhà hàng C.S ở Nha Trang điêu đứng. Nhưng khi mọi việc tỏ tường, hóa ra chính các thượng đế mới là nhân vật chính trong vở kịch có tên “quá khẩu”. Nhìn vào hóa đơn, so với giá thị trường mùa cao điểm du lịch, không ai nghĩ đó là giá “chặt chém”. Giá cả ở khu du lịch rõ ràng không thể là giá ngoài chợ… đầu mối hay giá ở… cửa khẩu.
Việc khách tiêu nhiều tiền là tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp không khói sau 2 năm vật lộn với khó khăn bởi Covid-19. Tuy nhiên, tiêu dùng thông minh và văn minh mới chính là giá trị bền vững để phát triển du lịch. Một khu du lịch phát triển là nơi phải mang đến cho khách hàng nhiều dịch vụ để lựa chọn tiêu tiền và tiêu tiền xứng đáng với giá trị hưởng thụ của khách chứ không phải chuyện “đốt tiền” để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, tình trạng du khách xả rác bừa bãi tại các khu du lịch không hiếm gặp. Phần lớn các khách sạn ven biển đã bố trí vòi nước cho khách rửa chân sau khi tắm biển trở về phòng nhưng không ít thượng đế vẫn ngang nhiên lê dép ngập cát vào sảnh. Thang máy và hành lang khách sạn, nhà nghỉ vào giờ cao điểm luôn trong tình trạng ẩm ướt, nhếch nhác.
Điều đáng nói là người trước xả rác, người sau chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Hậu quả là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch và chính những người làm du lịch lãnh hậu quả. Thương hiệu du lịch của cả một vùng đất đôi khi bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh, câu chuyện không đầu không cuối xuất phát từ chính ý thức chủ quan của các… thượng đế.

Người hành nghệ lượm ve chai "bội thu" nhờ ý thức xả rác bừa bãi của khách du lịch tại một bãi biển
Một nhân viên dọn phòng khách sạn từng có lần than thở, dọn phòng cho khách du lịch Việt Nam tốn công bằng 3 lần dọn phòng cho khách quốc tế. Số là khi khách du lịch Việt Nam trả phòng, căn phòng thực sự là một “trận địa”. Dùng khăn tắm lau sàn, dùng khăn mặt lau giày, thậm chí tiện tay dùng luôn bàn chải đánh răng để… đánh giày. Điều này rất ít xảy ra với khách du lịch quốc tế.
Người Việt thường duy trì thói quen khách hàng là thượng đế. Mà thượng đế thì phải được phục vụ, mất tiền để được hưởng thụ nên thói quen ngăn nắp, gọn gàng khi đi du lịch bị… bỏ quên. Thói quen xấu của người lớn lan sang cả trẻ em. Tại các khu vui chơi, giải trí, bãi biển, lon nước giải khát, vỏ bánh kẹo, vỏ trái cây cũng ngập ngụa theo.
Tại các khu biệt thự nghỉ dưỡng, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn kéo dài suốt đêm bởi vấn nạn karaoke và hát loa kéo. Hết “gánh mẹ” đến “đắp mộ cuộc tình” ầm ĩ thâu đêm suốt sáng khiến cho kỳ nghỉ dưỡng của nhiều người trở thành nỗi kinh hoàng. Chính quyền sở tại biết nhưng nhiều nơi vẫn phải làm ngơ bởi tâm lý chiều lòng du khách. Quản lý du lịch phải bằng phương pháp “mềm”.

Du lịch văn minh cần phải có du khách tiêu dùng thông minh và văn minh
Hai năm ảm đạm do đại dịch Covid-19, du lịch đang dần hồi sinh. Nhiều địa phương đã trăn trở tìm giải pháp để hút khách trở lại. Cùng với việc nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, quản lý giá cả, dịch vụ được quan tâm. Hiện tượng “chặt chém” du khách đã giảm hẳn thông qua công tác tuyên truyền cùng với chế tài xử phạt rất nặng. Nhưng ở góc độ quản lý, chính quyền sở tại và các ngành chức năng cũng cần phải chia sẻ với các nhà đầu tư du lịch, những người làm du lịch nói chung. Phải nhìn nhận sự việc khách quan để những người làm du lịch cũng được đối xử công bằng khi phát hiện các sự cố. Không vì tâm lý thu hút khách bằng mọi giá dẫn đến việc thẳng tay xử phạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Một địa chỉ du lịch văn minh không chỉ xuất phát từ những người làm du lịch mà còn cần đến ứng xử của chính khách du lịch.
Để đến một lúc nào đó, chuyện nhà hàng khuyên khách chỉ nên gọi đồ ăn vừa đủ hay chuyện khách trả lại tiền vì khách sạn tính nhầm trở thành chuyện bình thường chứ không phải chuyện… lạ.